Nghịch lý Web 3.0
Web 3.0 hướng đến Internet phi tập trung nhưng những gì diễn ra cho thấy nó có thể đưa người dùng về lại một phiên bản khác của Web 2.0.
Web 3.0 – thuật ngữ chỉ thế hệ thứ ba của Internet, được xây dựng trên nền tảng phi tập trung – đang trở thành cơn sốt mới trong giới công nghệ khi thu hút hàng trăm triệu USD từ các quỹ đầu tư lớn.
Thống kê của Cryptopolitan cho thấy trong quý đầu tiên của năm, các công ty khởi nghiệp Web 3.0 nhận được hơn 173 triệu USD. Trong khi đó, cả năm 2020 chỉ có khoảng 20 triệu USD được rót vào thị trường này. Web 3.0 từ một khái niệm mơ hồ đang trở thành ván cược mới của các quỹ đầu tư.
Web 2.0 hiện nay cho phép mọi người đọc, tạo nội dung, chia sẻ thông tin trực tuyến, nhưng dữ liệu của người dùng nằm trong tay các hãng Internet lớn như Google, Facebook, Apple… Còn với Web 3.0, người dùng nắm quyền sở hữu, kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ.
Theo Forbes, dù luôn nhấn mạnh quyền sở hữu của người dùng, có một nghịch lý là việc các quỹ đầu tư sớm đổ hàng triệu USD vào Web 3.0 cho thấy họ mới thật sự là những người có quyền quyết định trong thế hệ tiếp theo của Internet. Có nghĩa, quyền lực có thể vẫn nằm trong tay số ít thay vì “phi tập trung” như khẩu hiệu Web 3.0 đang hướng đến.
Một ví dụ điển hình nhất về nghịch lý này là cuối năm 2021, nền tảng giao dịch NFT lớn nhất thế giới Opensea muốn IPO nhưng vấp phải sự phản đối của cộng đồng. Sau đó, một tổ chức phi tập trung mang tên OpenDAO được thành lập với mục đích thúc đẩy sự phát triển của NFT và hỗ trợ những người tham gia vào thị trường Opensea.
OpenDAO sau đó phát hành miễn phí token SOS cho cộng đồng. Nhưng việc phát hành lại bị rơi vào bẫy đầu cơ. Cộng đồng đặt câu hỏi về việc ai sẽ là người thật sự điều tiết OpenDAO khi 50% token được đội ngũ quản lý dự án nắm giữ.
DAO là một cấu trúc đại diện cho tinh thần phi tập trung và hệ thống kinh tế tiền điện tử mới nổi. Trong mô hình DAO, tất cả những người sở hữu token đều có quyền biết quyết. Nhưng thực tế, những “cá voi” nắm giữ nhiều token vẫn có tiếng nói quyết định. Như vậy, các nhà đầu tư lại đưa Internet trở về mô hình tương tự Web 2.0 để tối ưu hóa lợi ích. Đó là lý do vì sao tỷ phú Elon Musk và Jack Dorsey liên tục chỉ trích những người hô hào xây dựng Web 3.0. Cả hai cho rằng Web 3.0 chỉ là một mánh lới kinh doanh.
Mục đích ra đời ban đầu của Web 3.0 là là chống lại những gã khổng lồ thống trị Internet. Những người ủng hộ cho rằng các nền tảng trực tuyến hiện nay mang tính tập trung quá cao, bị chi phối bởi các hãng công nghệ như Apple, Amazon, Google hay Facebook. Họ lưu trữ vô số dữ liệu và thông tin cá nhân trên khắp thế giới, khiến người dùng khó có thể tin tưởng.
Tuy nhiên, việc Meta và Microsoft tuyên bố tham gia vào Web 3.0 làm dấy lên lo ngại rằng xu hướng này đơn giản chỉ là một khu vườn khác của Web 2.0 và quyền kiểm soát cuối cùng vẫn nằm trong tay Big Tech.
Tim O’Reilly, một trong những bộ não trí tuệ hàng đầu của Thung lũng Silicon và là người đưa ra khái niệm Web 2.0, tin rằng Web 3.0 sẽ chỉ thật sự xuất hiện khi bong bóng tiền mã hóa vỡ tung.
“Web 2.0 không đơn thuần là một con số, đó là phiên bản thứ hai của web sau thất bại dotcom. Tiền điện tử trước tiên phải thất bại như bong bóng dotcom – sự kiện từng làm chấn động cả ngành công nghệ khi giá cổ phiếu liên quan ở thập niên 1990 được thổi phồng quá mức và sụp đổ nhanh chóng. Tôi không nghĩ bước tiến tiếp theo của Internet là Web 3.0, cho đến khi tiền mã hóa bị phá vỡ. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể thấy điều gì tồn tại lâu dài”, O’Reilly nói trên CBS Moneywatch hồi tháng 2.
Hiện Web 3.0 vẫn ở giai đoạn đầu phát triển và tồn tại nhiều mâu thuẫn, tranh cãi. Forbes dẫn lời tiến sĩ kinh tế Tascha Che rằng hiện mới chỉ có 180 triệu địa chỉ Ethereum đang được dùng cho việc kết nối các ứng dụng Web 3.0. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, sẽ mất ít nhất 5 năm nữa để đạt được một tỷ người dùng và khi đó Web 3.0 mới thật sự hiện hữu trong đời sống.
Theo Khương Nha (vnexpress)